Công dụng và cách dùng chữa bệnh từ cây gai, Cây Lá Gai

Share:
Cây gai có tên khoa học Boehmeria nivea (L). Gaud. Thuộc họ Gai Urticaceace. Còn gọi là cây lá gai, gai làm bánh, gai tuyết, trữ ma, bẩu pán (Tày), co pán (Thái), chiều đủ (Dao). Rễ củ gai còn có tên gọi là trữ ma căn. Nhân dân ta thường dùng lá gai làm bánh, là đặc sản của nhiều vùng quê đất Việt. Ngoài ra củ gai hay còn gọi là rễ củ gai làm thuốc chữa bệnh.

Lá cây nhỏ, cao 1 - 2 m. Thân cứng hóa gỗ ở gốc. Lá hình trái xoan hoặc hình trứng, mép lá có răng cưa, mọc so le, dài 7 - 15cm, rộng 4 - 8 cm. Cụm hoa đơn tính mọc ở kẽ lá. Qủa bế hình quẻ lê.
Cây gai
Cây gai
Theo y học cổ truyền:
Rễ củ gai có vị ngọt hơi đắng, tính mát. Có tác dụng cầm máu, an thai, mát máu, lợi tiểu... Thường được dùng để chữa động thai chảy máu, viêm nhiễm sưng tấy, đái đục, đái ra máu. Chu Đan Khê, một danh y cổ cho rằng rễ củ gai có tác dụng đại bổ âm, lại có tác dụng hành trệ huyết, tức là lấy bổ mà hành trệ vậy!
Lá gai có vị ngọt, tính hàn. Có tác dụng lương huyết, chỉ huyết (Cầm máu), tán ứ, lợi tiểu. Thường được dùng để chữa phù thũng, đi tiểu ra máu... 
Một số bài thuốc thường dùng:
* Chữa động thai (thai nhiệt đau bụng, chảy nước vàng đỏ ri rỉ, hay động thai rong huyết): Rễ củ Gai 50 - 70g sắc uống. Nếu ra máu thêm Huyết dụ 20g sao đen. (Theo Nam dược thần hiệu)
* Chữa viêm, sa tử cung: Rễ gai bánh 30g, Bồ công anh, quả Kim anh, lõi cây Móc (sát gốc), mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
* Chữa phụ nữ có thai phù thũng, đái đục, tê thấp đau mỏi, ỉa lỏng kém ăn: Rễ Gai bánh , Tỳ giải, rễ Bo bo đều 25g. Sắc uống ngày một thang, chia uống 2 - 3 lần trong ngày.
* Chữa động thai ra máu: Rễ củ Gai 20g, lá Ngải cứu tươi 20g, lá Sen tươi 20g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
* Chữa các chứng ngũ lầm (đái buốt, đái dắt, đái ra máu....): Rễ củ Gai, Bông mã đề mỗi vị 30g, Hành tươi 3 nhánh. Sắc uống ngày một thang, chia uống 2 - 3 lần trong ngày.
* Chữa đái ra máu: Rễ củ Gai 30g, Hoa hòe sao đen 10g, hạt Danh dành sao đen 10g. Sắc uống ngày một thang.
* Chữa bị thương chảy máu: Lá Gai phơi khô tán bột rắc lên vết thương.
* Chữa hen suyễn: Rễ củ Gai và đường cát nấu nhừ, nhai nuốt nước.
* Chữa rắn cắn: Rễ củ Gai tươi, giã nát, chườm vào vết cắn.
* Chữa mụn nhọt mưng mủ:
 - Lá Gai tươi, lá Phù dung tươi. Gĩa nát, đắp lên mụn nhọt. Có tác dụng làm chóng vỡ mủ.
 - Rễ củ Gai tươi lượng vừa đủ. Gĩa nát, đắp lên mụn nhọt
* Chữa hóc xương: Rễ củ Gai giã nát vắt lấy nước nhỏ vào miệng, nuốt nước dần.
* Chữa lòi dom: Rễ củ Gai sắc uống, bên ngoài dùng rễ hoặc lá Gai tươi giã nát đắp tại chỗ.
* Chữa mề đay: Rễ củ Gai nấu nước tắm hằng ngày.